Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, luật sư Mạnh Xuân Sơn, Giám đốc Công ty Luật Á châu (TP. Hà Nội) phân tích: Pháp luật Việt Nam không thừa nhận sàn giao dịch bất động sản là một trong các cơ quan quản lý thuế.
Ngay cả quy định tại Điều 64 dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản cũng không thừa nhận kiểm soát và quản lý thuế là chức năng của sàn giao dịch bất động sản.
Theo Điều 2 Luật Quản lý thuế 2019, cơ quan quản lý thuế chỉ bao gồm cơ quan thuế và hải quan các cấp.
Trong đó, Tổng cục Thuế là cơ quan thực hiện chức năng tham mưu và giúp Bộ Tài chính quản lý kiểm soát và điều hành các hoạt động về thuế tại Việt Nam.
Cũng theo luật sư Mạnh Xuân Sơn, sàn giao dịch được hiểu đơn thuần là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa mang tính đặc thù, mà ở đây là bất động sản.
Do vậy, sàn giao dịch bất động sản chỉ có thể có các thông tin về hình ảnh, vị trí, kích thước bất động sản, hoặc mức giá chào bán của chủ sở hữu…
Còn việc thỏa thuận về giá cả và điều kiện giao dịch bất động sản sẽ do ý chí của các bên. Như vậy, điều gì bảo đảm rằng sàn có thể kiểm soát và khẳng định sẽ không có các thỏa thuận “ngầm” bên ngoài về giá cả?
Khi một giao dịch được xác lập, trách nhiệm thực hiện giao dịch thuộc về các bên. Trách nhiệm kê khai, nộp thuế và việc thực hiện các nghĩa vụ đăng ký các giao dịch liên quan đến bất động sản với Nhà nước vẫn thuộc về các bên tham gia giao dịch, không thuộc phạm vi quản lý của sàn giao dịch bất động sản.
Lấy ví dụ, luật sư Mạnh Xuân Sơn cho biết, theo chứng thư Luật Thuế Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được đăng tải trên cơ sở dữ liệu của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), tỉ lệ thuế chứng thư deed tax, hay thuế hợp đồng BĐS không giống nhau trên khắp Trung Quốc, vì chính quyền cấp tỉnh được quyền đặt thuế suất tỉ lệ từ 3-5% giá chuyển nhượng.
Giá chuyển nhượng có thể được lấy từ Niên giám thống kê nhằm thu thập giá bán trung bình của các tòa nhà thương mại trên toàn quốc và khu vực.